CHÚ TRỌNG PHÂN LUỒNG HỌC SINH

 

Tại Hà Nội, một trong những địa phương có kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng nhất cả nước, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng còn “khốc liệt” hơn cả kỳ thi vào ĐH đến thời điểm hôm nay vẫn chưa chính thức chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10. Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện các nhà trường, trung tâm đã hoàn thành việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Sở GD&ĐT Hà Nội đang tổ chức kiểm tra các điều kiện tuyển sinh lớp 10 tại cơ sở, từ đó sẽ ban hành quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 của từng đơn vị. Những đơn vị không bảo đảm điều kiện theo quy định sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.

Như năm học 2019-2020, Hà Nội chỉ tuyển khoảng 62% học sinh vào lớp 10 THPT công lập. Gần 40% học sinh còn lại vào các trường ngoài công lập, học nghề, học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX)… Thống kê của tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, Tổng Giám đốc Công ty Giáo dục FPT, cho thấy: Tổng chỉ tiêu lớp 10 cho 94 trường THPT ngoài công lập của Hà Nội năm học 2019-2020 là gần 21.825, giảm 4% so với năm 2018. Chỉ tiêu lớp 10 của trường ngoài công lập ở Hà Nội chiếm 25% tổng chỉ tiêu. Đây là một con số rất lớn (4 học sinh có 1 người học ngoài công lập) trong bối cảnh tỷ lệ học sinh THPT ngoài công lập cả nước chưa đến 10%.

 

Thực tế năm học trước cho thấy không phải học sinh nào tốt nghiệp THCS ở Hà Nội cũng dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Trong 101.453 học sinh tốt nghiệp THCS có tới 16.417 học sinh khác đã lựa chọn những ngã rẽ khác để tiếp tục học lớp 10 và định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Tiếp tục mục tiêu phân luồng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND TP Đề án phân luồng học sinh sau THCS. Học sinh sẽ học tại các trường nghề, học tại trung tâm GDTX sau 3 năm ra trường sẽ có thể vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề. Đây là kế hoạch triển khai cụ thể Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự, TPHCM cũng đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, giảm dần tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập. Dự kiến, đến năm 2020 chỉ còn 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập. Lãnh đạo ngành Giáo dục khẳng định không thiếu chỗ học cho những học sinh không vào lớp 10 công lập. Cụ thể, những trường hợp học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, có thể lựa chọn học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDNN, trường ngoài công lập…